Vì sao chó dại cắn người xong cũng không qua khỏi?
Không chỉ gây tử vong cho người bị cắn, bản thân những con chó dại sau khi cắn người cũng rơi vào tình trạng lờ đờ, sùi bọt mép và dần dần tử vong.
Khi một người bị chó dại cắn dẫn tới tử vong, người ta thấy con chó đó cũng không thể qua khỏi. Nhiều người thắc mắc tại sao lại có hiện tượng này.
Chó dại là những con chó bị bệnh, trên người mang virus dại, có khả năng gây nguy hiểm cho người. Khi chó mắc bệnh dại, chúng thường tấn công con người, làm lây lan virus qua tuyến nước bọt và thấm vào máu. Nếu người bị cắn không được tiêm vacxin kịp thời, có khả năng sẽ mất mạng.
Hoặc, phải theo dõi tình trạng con chó đã gây ra vết cắn xem có dấu hiệu bị dại không. Nếu con chó không mắc bệnh thì người bị cắn cũng an toàn. Trường hợp ngược lại, phải nhanh chóng tiêm vacxin.
Có nhiều con chó sau khi cắn người thì chính nó cũng bỏ mạng. Lý do là bản thân nó đã nhiễm bệnh dại nhưng chưa có triệu chứng cụ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, virus dại có thể ẩn trong nước bọt của chó 3 ngày mà không phát ra bất kỳ biểu hiện nào.
Cũng có những trường hợp virus tồn tại từ 7 – 13 ngày trước khi phát tác triệu chứng. Tuy nhiên, thời lượng trung bình là 10 ngày. Vì vậy, người bị chó dại cắn và cả con chó đã cắn người đều cần quan sát tình trạng ít nhất 10 ngày.
Trong thời gian chó bị virus rabies (virus dại) tấn công, nó sẽ bắt đầu thay đổi tính tình. Dù thường ngày hiền lành nhưng sau khi bị bệnh dại, chó cũng dễ bị kích động, hoảng loạn hơn. Nó không thể kiểm soát được hành vi và thường tấn công, cắn người. Sau một thời gian cắn người, con chó cũng bước vào giai đoạn phát bệnh và tử vong.
Thông thường, sau khi cắn người 5 – 7 ngày, con chó sẽ có bộc phát triệu chứng dại. Bệnh sẽ trở nặng khiến nó bại liệt và mất mạng. Cả quá trình thường không quá 10 ngày. Vì vậy, nếu người bị chó cắn quan sát thấy sau 15 ngày, con chó đó vẫn khỏe thì có thể yên tâm là nó không bị bệnh dại.
Trong trường hợp bị cho dại cắn, cần xử lý ngay bằng cách sau:
– Rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy, rửa từ 10 – 15 phút liên tục. Nếu không có xà phòng, hãy xối nước lên vết thương. Đây là cách sơ cứu đơn giản và nhanh nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh dại.
– Dùng cồn 70% hoặc dung dịch cồn iot rửa vết thương.
– Tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra tình trạng vết thương, tiêm vacxin phòng dại..